THÔNG BÁO

CHUC MUNG NAM MOI.jpg Chào mừng Năm mới 2024- Giáp Thìn 
Năm  2023  đã khép lại với bao thay đổi. Đất nước  ta cũng như toàn thế giới. và bản thân mỗi hội viên chúng ta cũng không ngoại lê. Một năm chúng ta đã chứng kiến với bao đổi thay đên chóng mặt. Theo thời gian mọi điều vất vả , cả những đau thương mất mát cũng  lùi dần về quá khứ
Lại trao đổi thêm về : LUẬT VÀ LỖI TRONG THƠ ĐƯỜNG LUẬT
17-04-2020
 Ho Van.jpgXin giới thiệu bài viết của T/s Đinh Nho Hồng

 

LUẬT VÀ LỖI TRONG THƠ ĐƯỜNG

Trước khi đi vào nội dung chính, xin được thống nhất các thuật ngữ luôn nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong bài viết này, đó là "chữ""từ".

Theo Từ điển Tiếng Việt:

Chữ: - Tên gọi thông thường của âm tiết, tập hợp chữ viết một âm tiết;

- Tên gọi thông thường của từ.

Từ: Âm, hoặc toàn thể những âm không thể tách rời khỏi nhau, ứng với một khái niệm hoặc thực hiện một chức năng ngữ pháp. Ví dụ: Ăn; tư duy; đường chim bay;và; sở dĩ...    

I/ LUẬT THƠ:

Có 4 thể thơ luật Đường là: Ngũ ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt và thất ngôn bát cú

Sau đây, để làm ví dụ, xin trình bày kỹ hơn về thất ngôn bát cú là thể thơ tiêu biểu và được sáng tác nhiều nhất. Từ thất ngôn bát cú, có thể dễ dàng suy ra luật của ngũ ngôn bát cú. Từ các bài bát cú có thể tách ra thành 4 bài tứ tuyệt: Các cặp đề và thực thành một bài tứ tuyệt; các cặp thực và luận thành một bài tứ tuyệt; các cặp luận và kết thành một bài tứ tuyệt và các cặp đề và kết thành một bài tứ tuyệt.

Để có được một bài thất ngôn bát cú luật Đường, người sáng tác phải tuân thủ 5 yếu tố tạo thành luật thơ sau đây:

1. Bố cục một bài bát cú:

- Hai câu đầu (câu 1 và 2) gọi là ĐỀ: Là mở đầu hay nhập bài. Câu 1 là phá đề, nghĩa là mở ra; câu 2 là thừa đề, nghĩa là chuyển xuống.

- Hai câu tiếp (câu 3, 4) là THỰC: Còn gọi là trạng, chủ yếu là giải thích, nêu lên trạng thái, thực tế khách quan

- Hai câu sau (câu 5 và 6) là LUẬN: Bàn luận, đưa ra quan điểm, suy ngẫm về ý nghĩa bài thơ.

- Hai câu cuối (câu 7, 8) là KẾT: kết luận, bày tỏ thái độ, tình cảm của tác giả.

Cũng có người gọi bố cục bài thơ là cấu trúc, nhưng thường người ta dùng từ "cấu trúc" để chỉ nhịp điệu (cách ngắt mạch) bài thơ, như được nêu ở lỗi 5/b dưới đây.

2. Luật, lệ trong câu:

- Luật bằng trắc theo chiều ngang câu thơ: Ngoại trừ một số kiểu chơi thơ phá cách, ví dụ như thơ toàn bằng đã ra khỏi khuôn khổ thơ luật Đường, thứ tự thanh bằng - trắc trong mỗi câu thơ được xếp theo chiều ngang với quy luật sau đây:  

a/ Thơ thể bằng: Nhị bằng, tứ trắc, lục bằng;

b/ Thơ thể trắc: ngược lại: Nhị trắc, tứ bằng, lục trắc.

Cụ thể, một bài thất ngôn bát cú có thể theo một trong hai bảng sau (khi gieo vần bằng. Ít khi người ta gieo vần trắc, nhưng nắm được luật vần bằng thì cũng dễ dàng suy ra luật thơ vần trắc):

a/ Thơ thể băng:

    bằng BẰNG trắc trắc trắc bằng bằng

    trắc TRẮC bằng bằng trắc trắc bằng

    trắc TRẮC bằng bằng bằng trắc trắc

    bằng BẰNG trắc trắc trắc bằng bằng

    bằng BẰNG trắc trắc bằng bằng trắc

    trắc TRẮC bằng bằng trắc trắc bằng

    trắc TRẮC bằng bằng bằng trắc trắc

    bằng BẰNG trắc trắc trắc bằng bằng

b/ Thơ thể trắc:  

    trắc TRẮC bằng bằng trắc trắc bằng

    bằng BẰNG trắc trắc trắc bằng bằng

    bằng BẰNG trắc trắc bằng bằng trắc

    trắc TRẮC bằng bằng trắc trắc bằng

    trắc TRẮC bằng bằng bằng trắc trắc

    bằng BẰNG trắc trắc trắc bằng bằng

    bằng BẰNG trắc trắc bằng bằng trắc

    trắc TRẮC bằng bằng trắc trắc bằng.

- Lệ (trong câu): Phải tuân thủ nguyên tắc: Nhị, tứ, lục phân minh, nghĩa là những từ thứ 2, 4, 6 của câu thơ bắt buộc phải đúng bằng - trắc; còn nhất, tam, ngũ bất luận, nghĩa là những chữ thứ 1, 3, 5 trong câu không nhất thiết phải tuân theo luật bằng - trắc; nhưng ít khi người ta áp dụng cho chữ thứ 5, trừ một số trường hợp cần thiết, khi muốn cho câu thơ nhẹ nhàng, tha thiết, chủ yếu là câu 8 hoặc câu 1.

3. Niêm (bằng trắc theo chiều dọc bài thơ): Sắp xếp các câu thơ trong bài kết dính lại với nhau về âm điệu bằng trắc theo chiều dọc bài thơ. Để đơn giản, ta cứ xem những chữ thứ 2 (viết IN trong 2 bảng trên) của các câu thơ: Các chứ đó nhất thiết phải tuân thủ luật bằng - trắc, nếu không bài thơ bị coi là THẤT NIÊM, một điều tối kỵ.

4. Vần (Cách gieo vần): Những chữ cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8 (viết nghiêng trong 2 bảng trên) phải đồng âm (cùng vần), trừ kiểu chơi thơ có chữ cuối của hai câu đề khác thanh bằng trắc (được giới thiệu trong lỗi 1 dưới đây), nếu không bài thơ bị coi là thất vận.

5. Đối (Đối ngẫu): Hai câu thực phải đối nhau; cũng như vậy, hai câu luận phải đối nhau.

Ngoại trừ một số kiểu chơi thơ có chủ ý, như được trình bày dưới đây, một bài thơ luật Đường phải có cặp thực, cũng như cặp luận đối ý và đối từ: Từ Hán Việt đối với từ Hán Việt, từ thuần Việt đối với từ thuần Việt, động từ đối với động từ, tính từ đối với tính từ, trạng từ đối với trạng từ, danh từ đối với danh từ, danh từ chung đối với danh từ chung, danh từ riêng đối với danh từ riêng. Trong các cặp đối, từ chỉ thời gian đối với từ chỉ thời gian, từ chỉ không gian đối với từ không gian là rất chuẩn. Song, nếu chọn được từ chỉ thời gian đối với từ chỉ không gian, thì cặp đối được đánh giá là rất tuyệt vời. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, nếu đem thời gian đối với không gian là đối không chỉnh. Việc thống nhất quan điểm, nhiều khi không dễ. Trong văn học - nghệ thuật, về mặt chuyên môn, không thể ép buộc người khác phải theo mình, dù có đem bao nhiêu sách tham khảo hay ý kiến của các bậc tiền bối ra cũng khó thuyết phục được nhau.

Một điều đáng lưu ý là khi đem bài thơ đi dự thi, nên nghiêm chỉnh dùng phép chính đối, không nên chơi các kiểu thứ  đối, như cú trung đối, giao cổ đối, bất đối chi đối...,đặc biệt là lưu thủy đối, dễ gây tranh luận, vì trong Ban Giám khảo, có thể có người cho là "được", nhưng vị khác lại phê là đối không chỉnh, chỉ thiệt thòi cho người dự thi.

Trên đây là 5 yếu tố bắt buộc của một bài thơ luật Đường bát cú. Nếu thiếu bất kỳ một yếu tố nào trong 5 yếu tố đó, thì chưa thể gọi là một bài thơ luật Đường thực thụ. Ngày nay, người ta làm thơ càng ngày càng thoáng, kể cả các nhà thơ có tên tuổi, đôi khi cũng sáng tác những bài thơ không tuân theo bố cục chặt chẽ nêu trên, đặc biệt, không phân rõ thực với luận, mà thơ vẫn hay, được ưa thích. Nhưng đó chỉ là những bài thơ ngẫu hứng, thưởng thức cho vui, chứ không thể đem đi dự thi được. Trong khi đó, khá nhiều tác giả của các câu lạc bộ tùy tiện cho ra những bài thơ đối ngẫu không chỉnh và cũng không tuân theo kiểu chơi thơ nào, điều đó không thể chấp nhận được.

 

II/ LỖI (BỆNH) TRONG THƠ LUẬT ĐƯỜNG VÀ MỘT SỐ ĐIỀU CẦN LƯU Ý: Việc tuân thủ luật thơ là bắt buộc. Ngoài ra, còn phải lưu ý để tránh các lỗi (hay còn gọi là bệnh) trong khi sáng tác thơ luật Đường.

Người ta liệt kê ra nhiều lỗi khi sáng tác thơ Đường, mặc dù không phạm luật, nhưng tránh được vẫn hay hơn. Về thuật ngữ (tên gọi) và nội dung của các lỗi (hoặc bệnh) đang tồn tại những quan điểm khác nhau, chưa hoàn toàn thống nhất. Nhiều khi, nhập tâm cho được tên các bệnh cũng đủ "mệt" rồi. Do có những cách gọi và lí giải khác nhau, nên đôi khi tranh luận nhau về tên một vài bệnh lại mệt thêm. Trong khi chưa thống nhất được thuật ngữ tên gọi của một số lỗi (bệnh), chúng ta có thể thảo luận với nhau về thực chất, nội dung các lỗi cần tránh để sáng tác thơ chuẩn xác hơn, hay hơn. Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, mạn đàm trao đổi với nhau, còn phải nghiên cứu, tìm hiểu thêm. Một số lỗi được trình bày dưới đây, bị coi là bệnh nặng, nhưng cũng có lỗi chỉ như "bệnh ngoài da" và cũng khó tránh được tất cả các lỗi một lúc.

Sau đây xin liệt kê một vài lỗi (bệnh) thường gặp và một vài điều cần lưu ý:

1. Khi 2 câu đề có chữ cuối câu khác thanh bằng trắc: Hai câu đề gồm phá đềthừa đề. Đôi khi người ta vẫn sáng tác những bài thơ với hai câu đề có chữ cuối câu khác thanh bằng trắc; ví dụ, ngay câu phá đề đã có đuôi thanh trắc, còn câu thừa đề vẫn giữ đuôi thanh bằng. Đó cũng là một kiểu chơi thơ. Trong trường hợp này, hai câu đề cũng phải đối nhau, nếu không sẽ bị coi là chơi chưa đúng luật.

2. Lỗi điệp vận: Trong thực tế, lỗi này ít gặp. Trong một bài thất ngôn bát cú, có 5 từ đặt ở cuối câu 1,2,4,6,8 phải cùng âm, nhưng không lặp lại từ. Nếu có hai từ trùng nhau thì mắc lỗi điệp vận (trừ thơ thủ vĩ ngâmđộc vận). Có ý kiến cho rằng, nếu hai vần giống nhau, nhưng khác nghĩa thì không mắc lỗi điệp vận (ví dụ từ "hương" trong hương nhang, hương vị là khác nghĩa với quê hương, cố hương, đồng hương). Trong chữ Quốc ngữ, chữ đọc giống nhau thì viết cũng như nhau, nhưng trong chữ Nôm cũng như chữ Hán, chữ đọc giống nhau có thể viết khác nhau và không bị coi là điệp vận. Ta hãy đọc bài "Thu điếu" của Tam nguyên Yên Đổ - Nguyễn Khuyến:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo

Tựa gối ôm cần câu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Ở đây, cụm từ "bé tẻo teo" khác nghĩa với cụm từ "vắng teo".

Cũng có ý kiến khác, khắt khe hơn, cho rằng đã điệp vận là điệp vận, không kể cùng nghĩa hay khác nghĩa, cứ theo vần a, b, c trong chữ Quốc ngữ mà xét. Chính vì vậy, khi đem bài thơ đi dự thi, không việc gì phải điệp vận, dù khác nghĩa,  mà có khi bị "vạ oan", vì ngày nay chúng ta đang dùng chữ Quốc ngữ.

3. Lỗi phạm đề (mạ đề): Các chữ của đề bài, nói lên chủ đề của bài thơ, không được lọt vào các câu thực và luận, nếu không sẽ mắc lỗi phạm đề hay "mạ đề" (mắng lại đề). Lỗi ở cặp thực nặng hơn ở cặp luận. Cũng có người cho rằng đề bài chỉ có thể được nhắc lại ở hai câu đề, không được nhắc lại ở cả trong thực, luận và kết; nhưng như vậy thì một bài thủ vĩ ngâm nếu chữ có trong câu đầu cũng có trong câu cuối. Một số người lại cho rằng chữ của đề bài không được nhắc lại trong toàn bài. Điều đó không đúng. Chủ đề của bài có thể được đưa vào câu đề, hoặc câu kết là điều hợp lý.

4. Bệnh phong yêu: Có những quan điểm khác nhau về bệnh phong yêu:

a/ Quan điểm thứ nhất (Quan điểm chính thống): Trong một câu, chữ thứ 2 và chữ thứ 7 cùng dấu (trùng thanh độ) sẽ mắc lỗi phong yêu.

 (Một số người gọi bệnh phong yêu a/ là lỗi tiểu vận, nhưng phần lớn cho rằng chữ thứ 2 và chữ thứ 7 trùng âm mới gọi là tiểu vận, như được trình bày trong mục 4/b).

b/ - Quan điểm thứ hai (Ít được chấp nhận): Là lỗi điệp âm (trùng âm), khi trong câu có một trong hai trường hợp trùng âm sau thì mắc bệnh phong yêu: Chữ thứ 2 và chữ thứ 6; hoặc chữ thứ 4 và chữ thứ 7.

Trong thực tế, ít người theo quan điểm thứ hai (4/b) này, người ta không gọi đây là lỗi phong yêu, mà gọi là tiểu vậnđại vận.

- Lỗi tiểu vận: Một quan điểm khác cho rằng, khi chữ thứ 2 và thứ 6 trùng âm thì mắc lỗi tiểu vận.

Quan điểm khác nữa lại cho rằng chữ thứ 2 và chữ thứ 7 trùng âm mới là lỗi tiểu vận.

- Lỗi đại vận: Cũng theo cách gọi đó, khi chữ thứ 4 và thứ 7 trùng âm thì mắc lỗi đại vận.

Ngày nay, khi nói đến bệnh phong yêu, chủ yếu người ta chỉ nhắc đến lỗi 4/a.

5. Bệnh hạc tất:

a/ Quan điểm thứ nhất (Quan điểm chính thống): Chữ thứ 4 và chữ thứ 7 trong câu cùng dấu (trùng thanh độ) sẽ mắc lỗi hạc tất.

b/ Quan điểm thứ hai (Ít người chấp nhận) : Khi cấu trúc (cách ngắt mạch) câu thơ không theo nhịp điệu 2 - 2 - 3 (4 - 3) như thông lệ, mà là 3 - 2 - 2 (3 - 4), thì có ý kiến cho rằng đó là lỗi hạc tất. Nhưng thông thường, đa số ý kiến gọi đây là lỗi cấu trúc.

Do thơ luật Đường được phát triển không ngừng, nên ta vẫn gặp những bài thơ có nhịp điệu 3 - 2 - 2 (3 - 4), đặc biệt trong cặp giao cổ đối, khi 2 câu đối chéo nhau. Trong thực tế, ta vẫn thấy cấu trúc này ở thơ song thất lục bát là chủ yếu. Thậm chí, có người còn cho rằng, có thể sáng tác thơ Đường với các cấu trúc nhịp điệu khác nhau, như 2-3-2, 3-1-3... Dĩ nhiên, ít khi gặp các nhịp điệu này. Có thể cho rằng, ngoài cách ngắt mạch thông thường 2 - 2 - 3 (4 - 3) ra, các cách ngắt mạch khác coi như là kiểu chơi thơ.

- Để đơn giản và dễ hiểu hơn, có thể tóm tắt hai bệnh phong yêuhạc tất như sau:

Ngày nay, khi nói đến phong yêu và hạc tất, ta chỉ cần nghĩ đến phong yêu a/ và hạc tất a/. Đối với bệnh phong yêu a/ và hạc tất a/ thì người ta thường để ý đến thanh bằng nhiều hơn thanh trắc và trong thanh bằng để ý đến thanh huyền hơn thanh không, vì khi trùng thanh huyền cảm thấy "nặng nề"," khó nghe" hơn là trùng thanh không. Câu thơ mắc bệnh hạc tất a/ thường khó nghe hơn mắc bệnh phong yêu a/, mắc bệnh đại vận dễ phát hiện hơn mắc bệnh tiểu vận.

6. Bệnh khổ độc: Nếu có 2 chữ cùng thanh liền kề trong một câu, thì hai chữ đó không nên cùng một dấu (trùng thanh độ), nếu không sẽ bị gọi là "khổ độc". Thông thường chỉ tránh không để 3 chữ liền kề cùng dấu.

Lỗi này chỉ mắc phải khi áp dụng ngoại lệ "nhất, tam, ngũ bất luận", khiến có lúc 3 chữ đầu câu hoặc 3 chữ cuối câu cùng thanh bằng hoặc thanh trắc, nên "khó đọc", nói cách khác là có lúc đọc lên hơi khó nghe, không xuôi tai. Trong thực tế, khi ba tiếng thanh trắc liền kề nghe nặng nề hơn ba tiếng thanh bằng. Thường là 3 chữ cuối câu cùng thanh "khó nghe" hơn là 3 chữ đầu câu; điều đó chứng tỏ là không nên áp dụng "bất luận" cho chữ thứ 5, trừ trường hợp thật cần thiết, như phải bày tỏ, nhấn mạnh một ý tưởng nào đó.

Trên thực tế, người ta chỉ chú ý tránh 3 chữ liền kề cùng một dấu.

7. Bệnh trùng phức: Khi hai câu thực hoặc luận dù có đối nhau về hình thức đi chăng nữa, nhưng ý lại giống nhau, thì mắc bệnh trùng phức. Có người gọi đây là bệnh "nứa bổ", nghèo ý, nghèo chất thơ.

8. Nên tránh gieo vần cùng dấu (trùng thanh độ) hai câu đề: Khi gieo vần cho hai câu đầu (cặp đề), tránh cùng dấu (không trùng thanh độ), thì hay hơn. Khi vần của hai câu đề cùng dấu nghe không "êm tai" bằng khác dấu, đôi khi người ngâm thơ cũng khó diễn đạt hơn. Cụ thể, khi bài thơ được gieo vần bằng như thông thường, thì phải là một từ không dấu và một từ dấu huyền (trừ bài độc vận). Nếu cùng dấu, thì trùng thanh không dễ nghe hơn là trùng thanh huyền. Đây chỉ là điều chú ý, nên tránh, không phải là lỗi hay bệnh. Trong thực tế vẫn có rất nhiều bài thơ gieo vần cùng dấu cho hai câu đề mà vẫn hay, ví dụ bài "Thu điếu" nêu trên.

9. Bệnh điệp thanh: Khi trong một câu có 2 chữ trở lên, không liền kề, cùng một dấu (trùng thanh độ). Thường chỉ tránh 3 chữ.

10. Bệnh chánh nữu: Khi trong một câu có 2 chữ trở lên bắt đầu cùng 1 chữ cái (đơn hoặc kép), thường chỉ quan tâm đến 3 chữ trở lên.

11. Bệnh bàng nữu: Khi trong cả 2 câu đề, hay 2 câu thực, hoặc 2 câu luận, hoặc 2 câu kết có những từ bắt đầu cùng 1 chữ cái (đơn hoặc kép).

Có thể nói rằng, một số lỗi nêu trên, giống như "bệnh ngoài da", chủ yếu chỉ gây "ngứa ngáy, khó chịu", không ảnh hưởng nhiều đến "sức khỏe" của bài thơ. Trong thực tế, tránh được hết các bệnh không hề dễ, nhưng tránh được càng nhiều bệnh thì bài thơ càng có chất lượng, chủ yếu là tránh những lỗi khó nghe, nghe ngang tai, như hạc tất, phong yêu, khổ độc, còn một số lỗi khác chỉ liệt kê ra đây đẻ biết vậy thôi. Những bệnh như điệp thanh, bàng nữu, chánh nữu, bằng đầu đôi khi không đáng gọi là bệnh, không phải lúc nào cũng làm bài thơ mất hay. Nhiều bạn thơ không đồng tình gọi đó là lỗi hay bệnh. Trong nhiều trường hợp, việc lặp lại một chữ cái hay cụm chữ cái trong câu lại như một hồi chuông lanh lảnh để nhấn mạnh ý nào đó mà tác giả muốn bày tỏ.

Tránh mắc các lỗi nặng như điệp vận, mạ đề, hạc tất sẽ làm bài thơ có chất lượng hơn. Đặc biệt, khi đem một bài thơ đi dự thi, tránh mắc các lỗi sẽ được coi là một bài thơ luật Đường hoàn hảo, được chấm điểm nghệ thuật cao hơn

Mong rằng bài viết sẽ có ích cho việc tham khảo để đánh giá và thưởng thức các bài thơ dự thi.

 

III/ NHỮNG NGÓN CHƠI THƠ NÀO VƯỢT RA KHỎI KHUÔN KHỔ THƠ LUẬT ĐƯỜNG?

Người ta gọi thơ luật Đường là thơ “bác học”. Có nhiều ngón chơi thơ Đường càng nâng cao tính bác học của thể thơ này. Những kiểu chơi thơ thường gặp, như ngũ độ thanh, thuận nghịch độc, tung hoành trục khoán, khoán thủ, khoán tâm, v.v...đương nhiên vẫn là thơ luật Đường, không những hoàn toàn tuân thủ mọi luật lệ của thơ Đường, mà còn đưa bài thơ lên trình độ cao hơn, “bác học” hơn. Những bài thơ như vậy đem đi chấm thi, cần được ưu tiên cho điểm cao hơn, tùy theo kiểu chơi và trình độ chơi thơ.

Nhưng cũng có nhiều kiểu chơi không hoàn toàn tuân theo luật lệ thơ Đường. Những bài thơ đó không còn là thơ luật Đường nữa. ví dụ sáng tác được một bài thơ phá cách toàn bằng, thường là toàn thanh không, dù cho có nghe không ngang tai lắm, thì cũng chỉ để thưởng thức với nhau cho vui thôi, chớ đem đi thi thơ luật Đường mà bị loại khỏi “trường thi”. Hay như thơ biến thể Hàn luật, không đủ từ cho một bài thơ Đường. Còn thơ biến thể “lục bát tám câu” chẳng qua chỉ “bắt chước” luật thơ Đường để chơi thơ lục bát mà thôi.

Đó là những ngón chơi thơ phá cách, biến thể hay gặp nhất, đều đã ra khỏi khuôn khổ thơ luật Đường, nên không thể đem đi dự thi thơ Đường được.

Riêng những bài thơ không sử dụng chính đối, mà chơi thứ đối, như cú trung đối, giao cổ đối, tá tự đối, bất đối chi đối...thì phải suy nghĩ cẩn thận và cũng cần trao đổi thêm. Đặc biệt gây nhiều tranh luận là lưu thủy đối. Đã có những trường hợp cụ thể, người ta bàn cãi và không thể đi đến thống nhất được với nhau. Cũng vì chưa tìm được tiếng nói chung, nên một số tác giả ngụy biện, tự cho cặp đối không chỉnh của mình là “lưu thủy đối”, để bị người khác bác bỏ. Những bài thơ như vậy không nên đem đi dự thi. Những bài thơ dự thi, tốt nhất là áp dụng chính đối, không nên dùng thứ đối. Không ai dại gì đi “thách thức” Ban giám khảo. Bản thân Ban giám khảo cũng không hẳn có cùng quan điểm. Một ví dụ khác là đem thời gian đối với không gian, đó là một phép đối tuyệt vời. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, lấy thời gian đối với không gian là đối không chỉnh.

Tóm lại, để đánh giá những bài thơ luật Đường với các ngón chơi khác nhau, có thể chia thành ba dạng sau đây:

·        Loại thứ nhất hoàn toàn tuân thủ luật thơ Đường và còn nâng cao nghệ thuật bài thơ;

·        Loại thứ hai không hoàn toàn tuân thủ luật thơ, mà chỉ áp dụng một số điểm trong luật để chơi thơ. Bài thơ như vậy không được gọi là thơ luật Đường, không thể đem đi dự thi thơ Đường.

·        Dạng thứ ba, chủ yếu không dùng chính đối, mà chơi các loại thứ đối. Những bài thơ như vậy cũng có thể coi là thơ Đường, nhưng không nên đem đi dự thi, vì còn tồn tại những đánh giá và giải thích khác nhau. 

 

                  Đinh Nho Hồng

                                                                                         

Tác giả BBT