Cụ Song Ngư ở huyện Nghi Xuân, thuộc lớp nhà nho còn lại sau cách mạng tháng Tám 1945. Cụ sống rất thanh bạch luôn giữ cốt cách ông già xứ Nghệ, thơ túi rượu bầu, tự nuôi sống bằng nghề dạy vài ba học trò nhỏ. Nhưng bạn bè xa gần vẫn tìm đến cụ, đàm đạo văn chương.
Một ngày, anh em quây quần bên cụ, bàn đến Truyện Kiều, tất nhiên ai cũng phải khen ngợi Tố Như là bậc đại thi hào xưa nay. Cụ Song Như cũng chung nhận định ấy, song cũng nói thêm:
- Thế mà nhân vô thập toàn, các anh ạ. Truyện Kiều thì hay thật, nhưng đâu phải không có khe hở.
Cả nhóm xôn xao:
- Đâu, đâu, cụ thấy hở ở chỗ nào, xin cụ chỉ cho chúng tôi biết!
Cụ Song Ngư mỉm cười:
- Trước khi nói với các anh, tôi phải kính lỗi hương hồn cụ Nguyễn Du đã. Bắt bẻ các bậc đại sư tiền bối là điều bất kính, tôi không theo hùa mà phê bình bừa bãi đâu. Điều vụn vặt mà tôi sắp kể đây, từ lâu nhiều người cũng đã nói, tôi chuyển thành thơ, đọc cho các anh nghe chơi thôi.
Mọi người đều cảm thấy hồi hộp muốn chờ nghe cụ nói.
- Các anh chắc nhớ ngay đoạn mở đầu Truyện Kiều có câu:
Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh
Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng
Bài thơ của tôi tỏ ý băn khoăn về hai câu ấy. Nó như thế này:
Gia Tĩnh triều Minh đã vẻ vang
Điều tra mấy bận vẫn hoang mang
Vương ông tù tội, tình oan uổng
Từ Hải biên thùy, sức dọc ngang
Bạc Hạnh, Bạc Hà phường rắn rết
Khuyển Ưng, Khuyển Phệ lũ sài lang
Bốn phương như thế, hai kinh thế
Phẳng lặng đâu đâu với vững vàng!
Nghe hết bài thơ, cả nhóm cười vang:
- Xin chịu thầy! Bắt bẻ đến thế quả là khắc nghiệt, mà cũng không sao cãi lại được.