Ngay từ sáng sớm ngày Rằm tháng Giêng Quý Tỵ, từng đoàn người từ khắp các phố phường Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố đổ về Văn Miếu - Quốc Tử Giám tham dự Ngày thơ Việt Nam lần thứ XI.
Hội thơ năm nay có nhiều nét mới thu hút sự chú ý của công chúng, với Sân thơ Truyền thống, Sân thơ Trẻ và Sân thơ của các CLB; nhiều gian trưng bày của Hội thơ đường Luật Việt Nam và hàng chục CLB thơ khác. Sân thơ truyền thống mang chủ đề "Mùa Xuân đất nước" rất hấp dẫn, thu hút nhiều người bởi sự đan xen giữa những tiết mục văn nghệ đặc sắc là phần đọc, trình diễn những bài thơ hay viết về Tổ quốc, quê hương, về chủ quyền và tình yêu biển đảo. Bài thơ “Thần” nổi tiếng “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt được tái hiện với âm hưởng hào hùng, thắp sáng tình yêu Tổ quốc; “Ði thuyền trên sông Ðáy” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trình diễn một cách sáng tạo, độc đáo...
"Tuổi trẻ với Tổ quốc" là chủ đề của Sân thơ Trẻ. Ngoài các gương mặt thơ tiêu biểu đến từ nhiều vùng miền của đất nước còn có sinh viên các trường đại học với những tiết mục đã tham gia cuộc thi sáng tác và trình diễn trong hai đêm thi Thơ ngày 13 và 14 tháng Giêng.
|
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nghiêm Vũ Khải bên quán thơ Hội thơ Đường. |
Tập trung ở Hồ Văn, ngay trước cổng chính của Văn Miếu là sự tề tựu của các Hội và CLB thơ. Mỗi CLB là một “quán thơ” nhỏ tạo nên một diện mạo riêng với nhiều sắc thái như Hội Thơ Đường luật Việt Nam, CLB thơ Đường TP Hà Nội, CLB thơ lục bát. com, thơ ngành Điện, thơ nhà giáo… và nhiều CLB thơ của các tỉnh như Phú Thọ, Hòa Bình… Nhà thơ Khúc Ngọc Chân, Trưởng Chi hội thơ, ca nhạc Hương Chiều, (Hội thơ Đường luật Việt Nam) có nhiều năm tham gia ngày thơ cho biết: “Thơ của NCT chủ yếu sáng tác theo phong cách truyền thống. Ngoài các đề tài về thế sự, tình yêu đôi lứa, tình yêu đất nước… thơ của họ mang tính giáo dục cao về tình yêu Tổ quốc”. Các tác giả CLB thơ Đường Hương Chiều năm nay không chỉ trưng bày thơ mà còn cùng nhiều hội viên trình bày các bài hát về tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa với thơ, nhạc tự sáng tác càng làm cho ngày hội thơ thêm tưng bừng… Nhà thơ Lê Đức Mỹ hào hứng giới thiệu với người yêu thơ thăm gian trưng bày thơ của gần 30 tác giả CLB.
Nhà thơ Trần Nhương góp mặt và tạo nét rất riêng trong Ngày thơ bằng việc kí họa chân dung và tặng thơ. “Sân” của ông cả ngày đông khách, với rất nhiều người yêu thơ quen và lạ. Nhiều bạn yêu thơ nhí cũng xếp hàng để mong ông trầnnhương.com kí họa chân dung. Còn bác Phan Thanh Hải ở Nam Đồng, Hà Nội thì bộc bạch: “Cách đây hai năm, Trần Nhương đã vẽ chân dung cho tôi, giờ tôi lại đến nhờ nhà thơ “họa” lại để treo thêm”.
Là khách “dạo xem thơ”, Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nghiêm Vũ Khải, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nhật cho biết: “Chủ đề đất nước trong đó biển đảo là điểm nhấn rất hay và đầy ý nghĩa trong ngày hội thơ năm nay. Những sự kiện văn hóa như thế này càng khơi dậy chủ nghĩa yêu nước trong nhân dân, nhất là giới trẻ”.
Trước đó, tại TP Hồ Chí Minh, Ngày thơ Việt Nam được tổ chức cùng lúc tại nhiều địa điểm, như Cung Văn hóa Lao động, Nhà Văn hóa Thanh niên. Còn ở Huế tổ chức vào đêm 14 tháng Giêng năm Quý Tỵ (tức ngày 23/2/2013) tại Trung tâm Trải nghiệm Huế xưa và nay: Tại Bắc Giang, tổ chức vào sáng 23/2 với thi thể hiện thơ và thi sáng tác thơ tại chỗ, giao lưu thơ. Tại tỉnh Vĩnh Phúc, Lễ hội Thơ do Hội VHNT tỉnh tổ chức diễn ra từ 13 - 15 tháng Giêng (âm lịch) với việc rước lửa truyền thống từ Nhà tưởng niệm Bác Hồ (trên đồi An Sơn) vào trung tâm lễ hội, thắp nến tri ân…
Bài và ảnh: Kim Long ( theo báo ĐT NCT)